Đỗ xe trên vỉa hè trái quy định thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã phạm luật giao thông và có thể phải chịu xử phạt hành chính vì vi phạm quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định pháp luật giao thông hiện hành.
Quy định cụ thể về việc đỗ xe trên hè phố theo pháp luật giao thông đường bộ hiện hành
Căn cứ Tại Điều 18, Điều 19 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định thì việc đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện tham gia giao thông không giới hạn thời gian. Việc đỗ xe khác với việc dừng xe ở điểm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi dừng xe thông thường chỉ trong một khoảng thời gian nhất định nhằm để họ lên hoặc xuống phương tiện thực hiện một số công việc nhất định của bản thân. Ví dụ việc dừng lại tại cửa hàng bán hoa để mua hoa, dừng nơi có bán thức ăn nhanh để mua, hay là để bốc dỡ hàng hóa xuống rồi đi luôn sau đó v…v
Khi này theo quy định của pháp luật thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện các quy định sau đây như phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải:
– Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
– Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Đồng thời người điều khiển phương tiện không được đỗ xe tại các vị trí sau đây:
– Bên trái đường một chiều;
– Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
– Trên cầu, gầm cầu vượt;
– Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
– Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
– Nơi dừng của xe buýt;
– Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
– Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
– Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Cũng theo quyết định số 17/2015/QĐ -UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo quyết định số 15/2013/QĐ – UBND ngày 9/5/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định:
Sử dụng hè phố, lòng đường làm nơi để xe phải tuân thủ các quy định sau; đối với hè phố:
– Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ mép đường giao nhau, vị trí để xe phải được sơn kẻ vạch rõ ràng;
– Tại những khu vực để xe không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn trên hè phố, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ trên hè và các vị trí sang đường; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m;
– Phải có kết cấu phù hợp, đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị; Chỉ cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè phố làm nơi để xe đối với những hè phố đã có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng;
– Xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng (chỉ sắp xếp một hàng), quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m; trường hợp đặc thù thực hiện theo phương án khác thì phải được Liên ngành Sở Giao thông vận tải – Công an thành phố Hà Nội chấp thuận;
– Tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy định hiện hành có liên quan;
Như vậy, nếu ở Hà Nội khi để xe trên vỉa hè, người tham gia giao thông phải đảm bảo:
+ Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ mép đường giao nhau
+ Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m
+ Xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng (chỉ sắp xếp một hàng), quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m.
Đồng thời không vi phạm những gì được quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 về việc dừng, đỗ xe trên hè phố, lề đường.
Đỗ xe trên vỉa hè nếu trái quy định pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính cụ thể là xử phạt tiền và biện pháp xử lý bổ sung khác theo quy định pháp luật giao thông đường bộ
Nếu người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc này thì tùy trường hợp sẽ bị phạt tiền khác nhau:
– Người đi mô tô, xe máy điện dừng xe, đỗ xe trên hè phố trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, gây tai nạn giao thông thì bị tước giấy phép lái xe 2 tháng.
– Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật phạt tiền từ 100 đến 200.000 đồng. Trường hợp nếu gây tai nạn giao thông hoặc gây tai nạn không giữ yên hiện trường bỏ trốn, không đến trình báo cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; hoặc có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu và 0,4 miligam/ 1 lít khí thở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thônghoặc người thi hành công vụ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 02 tháng.
– Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông; phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng, và không bị tịch thu giấy phép lái xe.
Căn cứ pháp lý:
Điều 18, 19 Luật giao thông đường bộ 2008
Quyết định số 17/2015/QĐ -UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo quyết định số 15/2013/QĐ – UBND ngày 9/5/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Điều 6, 7, 8 Nghị định 171/2013/ NĐ -CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt